Biển Hải Tiến đang là điểm đến thu hút rất nhiều du khách trong vài năm gần đây.
Biển có một vị trí hết sức thuận lợi, gần kề rất nhiều các di sản, di tích lịch sử nổi tiếng của Thanh Hóa như: đền thờ Tô Hiến Thành, đền Vĩnh Gia, đền thờ các nhân thần và nhiên thần như: Triệu Quang Phục, Lê Phụng Hiểu… Trong đó không thể không kể đến di tích Bảng Môn Đình - nơi vinh danh, hội tụ những người đỗ đạt và đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh - nhân dân tôn thờ là “Trạng Quỳnh” (xã Hoằng Lộc)
Bảng Môn Đình là công trình kiến trúc oai nghiêm, đồ sộ nhất trong vùng làng quê xưa được xây dựng vào thế kỷ 15 và được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Bảng Môn Đình ra đời gắn với quá trình tụ cư làng xã và vấn đề học hành khoa bảng được đề cao. Khi đã an cư lập nghiệp, ổn định cuộc sống, hình thành thôn, làng thì nhân dân các địa phương lại cùng nhau góp sức xây dựng nên đình. Ngoài việc thờ cúng Thành hoàng và tôn vinh đạo học, Bảng Môn Đình còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật cao. Bảng Môn Đình đã trở thành biểu tượng cho sự hiếu học của đất và người Hoằng Lộc
Nhắc đến Hoằng Lộc là nhắc tới quê hương của Nguyễn Quỳnh - “Trạng Quỳnh” trong dân gian, con người tài ba được xã hội đương thời xếp vào “Tràng An tứ hổ”. Vốn không có chí làm quan, nhưng với tài năng thơ phú và ứng đối ông được dân gian yêu mến phong là Trạng. Đền thờ Trạng Quỳnh được công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. Đền thờ uy nghiêm với khuôn viên sạch đẹp, thoáng mát, đặc biệt là ngôi đền ngày nào cũng đón tiếp rất đông người đến đây tham quan, thắp hương tưởng niệm.
Đền thờ Trạng Quỳnh do chính dòng họ của ông trông giữ, thờ cúng, nhưng những hoạt động liên quan như tổ chức lễ hội, trùng tu tôn tạo đền thờ… đều được sự chỉ đạo, quản lý của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng.
Vào những ngày lễ hội mùng 1-10 âm lịch (ngày sinh cụ Nguyễn Quỳnh) và ngày 28-1 âm lịch (ngày mất cụ Nguyễn Quỳnh), dòng họ đều phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đón tiếp hàng vạn lượt khách thập phương về dâng hương tưởng niệm cụ.