Thành Nhà Hồ có vùng lõi rộng 155,5 ha.
Di sản thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa.
Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Khu Di sản Thành Nhà Hồ là kinh đô của hai triều đại. Từ năm 1398 đến 1400, là trung tâm kinh đô của vương triều Trần. Từ năm 1400 đến năm 1407 Tây Đô là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Đại Ngu – vương triều Hồ.
Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.
Kiến trúc Thành nhà Hồ bao gồm: Thành Nội, La Thành và di tích Đàn tế Nam Giao.
Thành Nội với diện tích 142,2 ha, được xây dựng bằng những khối đá lớn nặng hàng chục tấn. Là biểu hiện cho sự phát triển mới về kỹ thuật, kiến trúc và quy hoạch của Đông Á và Đông Nam Á. Là chứng tích độc đáo cho một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt nam và Đông Nam Á khi mà các giá trị vương quyền và Phật giáo truyền thống nhường bước cho những khuynh hướng mới về kỹ thuật, thương mại và hành chính tâp trung.
La Thành với diện tích 9,0 ha, là bộ phận thứ 2 của di sản Thành Nhà Hồ. Đây là vòng thành ngoài bảo vệ toàn bộ kiến trúc và cư dân trong kinh thành; được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào tháng 9 năm 1399; dài khoảng 10km. La thành được xây dựng dựa trên địa hình tự nhiên. Nhà Hồ chỉ gia cố thêm một số đoạn, đắp đất, trồng tre, nối liền những dãy núi sẵn có. La thành cách Hoàng thành khoảng 2 – 3 km về các hướng.
Di tích Đàn tế Nam Giao với diện tích 4,3 ha, là bộ phận thứ 3 trong vùng đề cử Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ. Di tích còn tương đối nguyên vẹn, cổ nhất trong lịch sử Đàn tế Nam Giao Việt nam. Đó cũng là công tình kiến trúc vừa có đặc điểm chung của Đàn tế Nam Giao phương Đông; vừa có những nét đặc sắc riêng có của Việt Nam. Di tích khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc mạnh mẽ của vương triều Hồ cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV.
Hơn 6 thế kỷ đã qua, di sản Thành Nhà Hồ trường tồn như một chứng tích bất diệt cho một thời kỳ lịch sử sôi động và bi hùng của Đại Việt với những bài học lịch sử nhân văn vô cùng sâu sắc. Di sản Thành nhà Hồ chắc chắn sẽ để lại dấu ấn trong lòng du khách mỗi khi tới nơi đây.